dsdanghangのブログ

https://nhathuocngocanh.com/

Bệnh béo phì ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và cách phòng ngừa theo BMJ

Tóm tắt
◊ Các yếu tố hành vi và môi trường chịu trách nhiệm chính cho sự gia tăng đầy ấn tượng của béo phì trong 2 thập kỷ qua, mặc dù gen đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh trọng lượng cơ thể.


◊ Tính toán chỉ số khối cơ thể (BMI) là phương pháp sàng lọc béo phì ở trẻ em được chấp nhận rộng rãi nhất. Ngưỡng BMI bất thường ở trẻ em được xác định bởi giá trị bách phân vị chuyên biệt theo độ tuổi và giới tính.


◊ Sự gia tăng ấn tượng tỷ lệ béo phì ở trẻ em đã dẫn đến tăng rõ rệt chẩn đoán suy giảm khả năng dung nạp glucose và đái tháo đường loại 2 ở trẻ em.


◊ Phòng ngừa tăng cân quá mức ở trẻ em có vai trò tối quan trọng trong việc đối phó với đại dịch béo phì, vì khó điều trị béo phì ở mọi lứa tuổi, và trẻ em béo phì có xu hướng trở thành người lớn béo phì.


◊ Cơ sở chính của điều trị là điều chỉnh lối sống để cải thiện chế độ ăn và tăng cường hoạt động thể chất. Điều trị bằng thuốc và phẫu thuật giảm cân có thể được coi là biện pháp bổ trợ cho điều chỉnh lối sống ở trẻ vị thành niên bị béo phì bệnh lý.


Thông tin cơ bản
Định nghĩa
Béo phì là tình trạng chất béo cơ thể quá mức hoặc tình trạng béo phì vượt quá giới hạn lành mạnh. Phương pháp sàng lọc tình trạng béo phì quá mức được chấp nhận rộng rãi nhất là tính toán chỉ số khối cơ thể (BMI).[1] Ngưỡng BMI bất thường ở trẻ em được xác định bởi giá trị phân vị chuyên biệt theo độ tuổi và giới tính dựa vào biểu đồ tăng trưởng, vì lượng chất béo cơ thể thay đổi theo độ tuổi và khác nhau giữa nam và nữ.[2] Định nghĩa về thừa cân và béo phì thay đổi trên toàn thế giới; tuy nhiên, BMI > giá trị bách phân vị thứ 85 được định nghĩa là thừa cân hay có nguy cơ thừa cân tại Hoa Kỳ và Anh Quốc, BMI ≥ giá trị bách phân vị thứ 95 được định nghĩa là béo phì hay thừa cân, và BMI > giá trị bách phân vị thứ 99 được định nghĩa là béo phì bệnh lý.[3] [4] Đối với trẻ em dưới 2 tuổi, bách phân vị của BMI không có sẵn; do đó, béo phì có thể được định nghĩa là cân nặng ≥ giá trị bách phân vị thứ 95 tương ứng với chiều cao.[3]


Dịch tễ học
Tại Anh Quốc vào năm 2006, ước tính 16% trẻ em từ 2 đến 15 tuổi bị béo phì (bé trai 17%, bé gái 15%).[5] Tại Scotland, tỷ lệ béo phì ở trẻ em và trẻ vị thành niên đã tăng nhanh kể từ giữa những năm 1980; từ năm 1987 đến năm 2006, tỷ lệ bệnh đã tăng 2,5 lần ở trẻ em Scotland 15 tuổi.


Tại Hoa Kỳ, dữ liệu có được từ Khảo sát Kiểm tra Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia Hoa Kỳ (NHANES) ước tính về tỷ lệ bệnh thừa cân và béo phì (chỉ số khối cơ thể [BMI] ≥ giá trị bách phân vị thứ 85) ở trẻ em và trẻ vị thành niên. Dữ liệu chứng minh rằng tỷ lệ bệnh béo phì ở trẻ em Hoa Kỳ đã tăng kể từ năm 1990.[6] Tuy nhiên, dữ liệu từ NHANES trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2014 gợi ý rằng xu hướng tỷ lệ bệnh béo phì này đang chững lại trong nhóm đối tượng trẻ em và trẻ vị thành niên, ngoại trừ ở những bé trai từ 6 đến 9 tuổi nặng nhất.[7] [8] [9] [10] Ngoài ra, tỷ lệ bệnh béo phì ở trẻ em từ 2 đến 5 tuổi có vẻ giảm từ năm 2011 đến năm 2014.[9] [10] [11]


Có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm chủng tộc/dân tộc, với các bé trai và bé gái người Mỹ gốc Mexico có tỷ lệ bệnh thừa cân và béo phì cao nhất tại Hoa Kỳ.[9]


Ngoài ra, trong khảo sát NHANES mới nhất, 8,1% trẻ nhũ nhi và trẻ tập đi có giá trị bách phân vị ≥95 trên biểu đồ tăng trưởng cân nặng – chiều cao. Nhìn chung, ước tính tỷ lệ béo phì ở trẻ em có xu hướng cao hơn tại Hoa Kỳ so với các quốc gia khác.[9]


Bệnh căn học
Béo phì ở trẻ em do nhiều yếu tố gây ra. Những tương tác giữa các yếu tố này như bẩm chất di truyền, thói quen hành vi và tập tục văn hóa, và ảnh hưởng của môi trường dẫn đến mất cân bằng năng lượng, với năng lượng nạp vào vượt quá năng lượng tiêu hao, cuối cùng dẫn đến béo phì ở người dễ mắc bệnh. Nhiều yếu tố cùng tồn tại ở một người, khiến việc xác định tác động độc lập không phụ thuộc vào các yếu tố khác của bất kỳ một yếu tố nào trở nên khó khăn. Các thay đổi về hành vi và môi trường phải đóng một vai trò quan trọng ngay cả ở trẻ em mang yếu tố nguy cơ về mặt di truyền, vì tỷ lệ bệnh béo phì ở trẻ em đã tăng đáng kể trong 30 năm qua mặc dù khả năng thay đổi nhanh chóng về cấu tạo di truyền của dân số thấp.


Xem đầy đủ tại đây: https://nhathuocngocanh.com/benh-beo-phi-o-tre-em-nguyen-nhan-dau-hieu-dieu-tri-va-cach-phong-ngua-theo-bmj/