dsdanghangのブログ

https://nhathuocngocanh.com/

Sốc: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị theo BMJ

Tóm tắt
◊ Thường được chẩn đoán khi các dấu hiệu của giảm tưới máu có liên quan đến huyết áp thấp hoặc huyết áp giảm.


◊ Tình trạng này có thể xuất phát từ một số diễn tiến bệnh, bao gồm suy bơm (tim), mất dịch nội mạch (giảm thể tích máu lưu hành), suy chức năng điều hòa mạch máu (phân phối) hoặc tắc nghẽn dòng máu (tắc nghẽn).


◊ Điều trị ban đầu nhằm mục đích tối ưu hóa việc cung cấp oxy và đảo ngược sự giảm tưới máu thông qua hồi sức thể tích, các thuốc co mạch cho tụt huyết áp kháng trị do giãn mạch, điều trị rối loạn chức năng tim và điều trị nguyên nhân tiềm ẩn.


◊ Điều trị sốc được thực hiện tốt nhất trong môi trường chăm sóc tích cực.


Thông tin cơ bản
Định nghĩa
Sốc thường được định nghĩa là tình trạng suy khả năng cung cấp đủ oxy đến các mô gây đe dọa tính mạng và có thể do giảm tưới máu đến mô, không đủ độ bão hòa oxy máu hoặc tăng nhu cầu oxy từ mô, dẫn đến giảm oxy hóa và rối loạn chức năng ở cơ quan đích. Nếu không được điều trị, sốc dẫn đến rối loạn chức năng nhiều cơ quan kéo dài, và tổn thương suy tạng với nguy cơ tử vong. Giảm tưới máu mô có thể hiện diện mà không có hạ huyết áp toàn thân, nhưng tại giường bệnh sốc thường được chẩn đoán khi có cả hai (hạ huyết áp động mạch và rối loạn chức năng cơ quan).[1] [2] [3] [4]


Dịch tễ học
Sốc nhiễm khuẩn là dạng sốc thường gặp nhất ở những bệnh nhân nằm trong đơn vị chăm sóc tích cực.[5] Tỷ lệ mắc mới sốc nhiễm khuẩn hàng năm ở người lớn ước tính là 0,3-0,7 mỗi 1000 người.[6] [7] [8] [9] Sốc cũng làm trầm trọng hơn nhồi máu cơ tim ở 7% đến 9% bệnh nhân (sốc tim).[10] [11] [12] [13] [14]


Sốc giảm thể tích là dạng sốc thường gặp nhất ở trẻ em trên toàn thế giới, do tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.[15] Chấn thương cũng là nguyên nhân thường gặp gây sốc giảm thể tích trên toàn thế giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những bệnh nhân từ 20 đến 39 tuổi tại Hoa Kỳ.[16]


Bệnh căn học
Bất kỳ bệnh nặng nào cũng có thể tiến triển thành giảm tưới máu toàn thân và sốc. Các nguyên nhân gây sốc thường gặp nhất được phân nhóm theo cơ chế bệnh lý của chúng:


Do tim (rối loạn chức năng bơm): tình trạng này có thể xảy ra sau khi bị nhồi máu cơ tim, do viêm cơ tim, bất thường van tim hoặc rối loạn nhịp.
Giảm thể tích (mất dịch nội mạch): do xuất huyết (chấn thương, tiêu hóa), mất dịch khoang thứ ba, bỏng, stress nhiệt hoặc mất qua đường tiêu hóa.
Phân phối (suy chức năng điều hòa mạch máu): nhiễm khuẩn huyết, sốc phản vệ, ngộ độc, tổn thương thân não hoặc cột sống (do thần kinh) hoặc bệnh nội tiết (tuyến thượng thận, nhược giáp hoặc giảm chức năng tuyến yên).
Sốc tắc nghẽn (các rào cản đối với dòng máu chảy đến tim hoặc đổ đầy tim): thuyên tắc động mạch phổi có thể hạn chế dòng máu phổi; chèn ép tim và tràn khí màng phổi áp lực gây ra hạn chế đổ đầy tim.
Sinh lý bệnh học
Giảm tưới máu là tình trạng không cung cấp đủ oxy ở cấp độ tế bào, do giảm lưu lượng dòng máu và cung cấp oxy, hoặc tăng nhu cầu oxy mô mà không có sự gia tăng lưu lượng máu nội mô để cung cấp oxy cần thiết cho mô cơ quan. Khi lưu lượng máu không thể đáp ứng nhu cầu thì sẽ gây giảm tưới máu mô. Việc cung cấp oxy thấp từ dòng máu kém hoặc độ bão hòa oxy trong máu thấp làm giảm chức năng chuyển hóa cơ bản của các tế bào và cơ quan.


Giảm tưới máu gây ra phản ứng stress toàn thân, bao gồm nhịp tim nhanh và co mạch ngoại vi. Một khi cơ chế sinh lý học bù trừ bị quá tải, rối loạn chức năng nội tạng sẽ xảy ra, tiếp theo là suy tạng, tổn thương cơ quan không thể phục hồi và tử vong.


Trong sốc nhiễm khuẩn, giãn mạch ngoại vi bệnh lý do tình trạng nhiễm khuẩn có thể dẫn đến mất khả năng tưới máu tương đối do mất sức cản mạch máu toàn thân (điều hòa mạch máu). Tình trạng này dẫn đến thiếu máu cục bộ mạch vành và rối loạn chức năng tim thứ phát. Suy tim và suy mạch máu hậu quả có thể góp phần gây tiến triển tình trạng sốc.


Ở tình trạng sốc tim, giảm tưới máu mô do mất cung lượng tim gây ra viêm mô (tế bào).[17] Sốc có thể tự duy trì bằng cách gây ra đáp ứng sốc cấp tế bào bổ sung như các cytokine độc tế bào, dẫn đến hội chứng đáp ứng viêm hệ thống.


Huyết áp thấp là một thước đo gián tiếp, không chính xác của tưới máu mô. Điều này được thể hiện qua tình trạng giảm lượng oxy cung cấp trong tế bào ở cơn tăng huyết áp kịch phát, khi sức cản động mạch cao thực sự làm giảm cung lượng tim và khả năng tưới máu. Tình trạng giảm oxy mô có thể xuất hiện mà không đi kèm với huyết áp thấp.[17]


Phân loại
Cơ chế” bệnh học


Sốc thường được phân loại theo nguyên nhân.


Do tim (rối loạn chức năng bơm): có thể xảy ra sau khi bị nhồi máu cơ tim, do bệnh cơ tim, rối loạn nhịp hoặc bệnh lý van tim.
Giảm thể tích máu lưu hành (mất dịch nội mạch): do xuất huyết, mất nước, mất qua đường tiêu hóa hoặc mất dịch vào khoang thứ ba.
Phân phối (suy chức năng điều hòa mạch máu): dẫn đến giảm kháng lực của mạch máu toàn thân với giãn mạch máu và, thông thường, ấm ngoại biên, như xảy ra ở nhiễm khuẩn huyết và sốc phản vệ.
Tắc nghẽn (các rào cản đối với dòng máu chảy đến tim hoặc đổ đầy tim): thuyên tắc động mạch phổi có thể hạn chế dòng máu; chèn ép tim và tràn khí màng phổi áp lực gây hạn chế đổ đầy tim.
Ngăn ngừa sơ cấp
Điều trị sớm và hiệu quả bất kỳ bệnh nặng nào sẽ ngăn ngừa tiến triển thành sốc trong nhiều trường hợp. Ví dụ như dùng kháng sinh sớm để điều trị nhiễm khuẩn huyết,[2] [19] hoặc tái tưới máu kịp thời với tiêu sợi huyết hoặc can thiệp mạch vành trong nhồi máu cơ tim.[20]


Xem đầy đủ tại đây: https://nhathuocngocanh.com/soc-nguyen-nhan-trieu-chung-chan-doan-va-huong-dan-dieu-tri-theo-bmj/